“Bí kíp” tự ôn thi IELTS 8.0 trong 1 tháng
- Nhiên Lê
- Jan 2
- 9 min read
Updated: Jan 5

Xin chào bạn đọc, mình tên Nhiên Lê. Mình vừa đạt được 8.0 IELTS sau 1 tháng tự ôn thi nên cũng muốn viết một bài chia sẻ về quá trình này và những bài học mình rút ra được.
Như mọi bài blog “lùa gà” khác, bài viết này cũng chả có cái “bí kíp” gì lạ giúp bạn nhảy band score nhanh nếu không có “nội lực”, nên mình xin lỗi nếu các bạn bị dính click bait nhá 😂.
Disclaimer cuối, mình thuộc phong cách học “bụi đời” nên chẳng có tài liệu bài bản gì cả, hầu hết kiến thức đều đến từ Youtube, TikTok, chatGPT và kinh nghiệm tự giải đề, nên bạn đừng kỳ vọng lộ trình chuẩn chỉ nhé.
Giờ thì bắt đầu thôi!
🌏 Bối cảnh
Lý do mình thi IELTS là vì mình có ý định apply du học thạc sĩ. Tuy nhiên, ý định này đến khá trễ vào cuối năm nay (2024) nên mình phải chuẩn bị hồ sơ gấp để kịp timeline học vào năm sau, trong đó có kỳ thi IELTS.
Mình muốn kể một chút về điểm xuất phát của mình từ lúc chính thức bắt đầu ôn thi để các bạn không kỳ vọng sai về một “hành trình tăng band kỳ diệu”. Vào cuối tháng 11, mình nghĩ bản thân thời điểm đó đang ở band 6.5, cùng với trải nghiệm làm việc trong công ty và học online bằng tiếng Anh thường xuyên, nên phần nào cũng không quá xa lạ với nó. Việc cần làm là luyện tập cho vốn tiếng Anh của mình ‘học thuật’ hơn để phù hợp với kỳ thi này.
🧭 Chiến lược
Mình đặt mục tiêu là 7.0 (các chương trình thạc sĩ yêu cầu minimum 6.5) để tự tin apply du học hơn tí. Và để chắc chắn rằng mục tiêu này khả thi thì mình đã có các bước xác định mục tiêu từng môn như sau:
Làm một vài đề để xác định nội lực
Các bạn cứ tìm một vài đề Cambridge làm thử một cách bản năng và đánh giá năng lực hiện tại. Giống với hầu hết mọi người, kỹ năng Listening và Reading của mình tốt hơn hẳn Speaking và Writing, cụ thể là LR rơi vào tầm 7-8, còn SW thì tầm 6.0 (chatGPT chấm điểm 😅).
Đặt mục tiêu từng môn
Sau khi án chừng được năng lực từng môn thì mình đặt ra các kịch bản đạt được target bằng ielts band score calculator rồi ôn theo plan đó.
Thật ra lúc ôn thì các bạn cứ xem plan này chỉ là mức sàn nhé (ví dụ target Speaking 6.5 thì bạn cứ ôn như 7.0), còn đối với Listening, Reading thì cứ ôn để làm đúng hết tất cả các câu chứ đừng dừng ở mức target.
📖 Tips ôn thi từng skill
Nói thật là thời gian mình dành để ôn thi rất ít, một tuần chắc được vài buổi, rồi gần đến ngày thi thì cũng cong đít lên mà học tủ như thường (à mà lúc thi thì trật tủ nhé 😂). Tuy nhiên, mình biết là target LR của mình cao và hai môn này ôn cũng tiện nên đa phần thời gian mình đều dùng để giải đề LR, còn lại là tập Speaking, Writing bằng chatGPT và xem tips trên Youtube.
*Điểm Speaking, Writing của mình không cao lắm nên tips chưa được sâu lắm nha.
A. Listening & Reading
1. Hiểu format bài thi
Trước tiên là bạn cần làm vài đề để hiểu và quen nhịp với cấu trúc bài thi, đặc biệt là Reading rất dài nên nếu không quen sẽ tắt cmn não trong phòng thi :))
Listening có 4 part:
Cuộc nói chuyện điện thoại - Từ vựng đơn giản, có đọc những từ đứng trước/sau đáp án.
Bài nói giới thiệu về cái gì đó - Có thông tin nhiễu, nên nghe hết ý trước khi chọn.
Hai đứa nào đó nói chuyện với nhau - Câu hỏi thường dài, lắc léo, nên take note thông tin nếu đọc câu hỏi không kịp thay vì cố tìm đáp án đúng, sau đó quay lại dùng note để đoán đáp án sau.
Bài thuyết trình học thuật - Cố đọc hiểu được câu có chứa đáp án, highlight các từ trước sau đáp án và đoán từ paraphrased của các từ đó.
Reading
Có 3 bài và thường có số từ khó tăng dần. Bài 1 cố đọc ít hơn 20 phút để dành thời gian cho 2 bài sau.
Nếu thi máy tính thì nên kéo phần bài đọc hẹp lại còn khoảng 1/3 màn hình, giúp cho đoạn văn thành 1 khối bao quát và mắt không di chuyển nhiều, đỡ mỏi mắt và não xử lý thông tin tốt hơn.
Các câu multiple choice thì cũng tập trung vào loại đáp án sai trước thay vì cố suy luân đáp án đúng.

2. Làm đề & Tự bắt bệnh
Mỗi người sẽ có những vấn đề khác nhau nên nếu các bạn ôn gấp thì không cần lộ trình bài bản gì cả đâu, chỉ cần tìm ra vấn đề của bản thân rồi học đúng cái đó là được. Ví dụ nhé:
Listening
Bệnh | Thuốc |
Đọc câu hỏi xong không nhớ | Highlight từ khóa thể hiện nội dung câu hỏi |
Đọc không kịp câu hỏi | Tập scan và highlight câu hỏi nhanh nhất có thể, càng hiểu câu hỏi càng dễ nghe đáp án |
Sai loại từ số nhiều | Để ý luôn cái âm “s” khi nghe được đáp án |
Chờ hoài không nghe được keyword | Thường bài nghe từ part 3 sẽ dùng các từ paraphrased nên cần nghe hiểu ý chính để chờ đáp án |
Reading
Bệnh | Thuốc |
Thường sai TRUE/FALSE/NG | Tập skimming tìm keyword + Tập diễn giải ý nghĩa và chi tiết trong câu hỏi |
Đọc không kịp | Đọc câu hỏi trước → highlight từ khóa → Skim bài đọc xác định vị trí đoạn có đáp án → đọc lướt các đoạn thường, đọc kỹ đoạn có nhiều câu hỏi đề cập |
Sai câu matching đoạn văn | Tập loại bỏ đáp án sai thay vì chăm chăm tìm đáp án đúng |
Đó là một số bệnh mình tự bắt được của bản thân và tìm cách khắc phục, có thể bạn không bị những lỗi này nhưng lại gặp những lỗi khác, nên hãy cố tìm ra bệnh của mình nhé.
⭐ Tặng các bạn 1 sheet tổng hợp link các bài Cambridge Listening, Reading để track tiến độ ôn thi IELTS Practice Tracker
B. Speaking
1. Hiểu tiêu chí chấm
Để đạt speaking 7.0 thì mình không nói quá phức tạp, chỉ cần mượt và ít sai là được.
Speaking có 4 tiêu chí chấm:
Fluency & coherence: nói trôi chải, mạch lạc
Chuẩn bị cho mình vài cụm từ để mở đầu và nối các câu, ví dụ như:
Off the top of my head, I think…
When it comes to friends, I immediately think of…
Subsequently / Furthermore / Moreover / By contrast, …
Lexical Resource: từ vựng nhiều, dùng đúng trường hợp
Nếu bạn thi gấp giống mình thì hãy chuẩn bị mấy từ vựng và collocation chung chung dùng được trong bất cứ trường hợp nào, ví dụ như: prominent (nổi bật), intriguing (hấp dẫn), perks (lợi ích), a host of (nhiều),…
Còn nếu có thời gian thì cứ chuẩn bị từ vựng cho các chủ đề phổ biến như education, environment, describe a person,…
Grammartical Range & Accurary: dùng đa dạng và đúng cấu trúc ngữ pháp
Phần này thì bạn cứ chuẩn bị một số cấu trúc hay rồi dùng đi dùng lại nhiều cho quen, không cần quá phức tạp mà chỉ cần dùng đúng tình huống là được, ví dụ như:
While / Although___, ____
Mệnh đề danh từ
Câu điều kiện
…
Pronunciation: phát âm chuẩn
Phần này thì mình không luyện gì nhưng các bạn có thể nghe lại ghi âm câu trả lời để check phát âm rồi sửa nhé.
2. Tự luyện tập như thế nào?
Mình tập với chatGPT. Nếu luyện tập với bạn bè thì vẫn tự nhiên hơn nhưng feedback không sâu lắm, còn chatGPT thì có thể đánh giá được cả 4 tiêu chí nên bạn cũng có thể thử. Bạn có thể dùng chức năng thoại của chatGPT, prompt đặt câu hỏi và đánh giá câu trả lời của bạn theo tiêu chí của IELTS speaking. Lưu ý, chatGPT sẽ không chờ được một câu trả lời dài như part 2 mà nó sẽ ngắt bạn giữa chừng.
Tiếp theo là mình sẽ xem mock test IELTS Speaking 7.0 trên Youtube để hiểu được vibe của một bài thi 7.0 như thế nào, cảm nhận tốc độ nói, phát âm, độ tự tin, xử lý tình huống khó,… rồi so sánh với trạng thái hiện tại của bản thân, thiếu ở đâu thì tập ở đó.
Ngoài ra, mình sẽ thường tự hỏi tự trả lời một câu hỏi bất kỳ khi lái xe hoặc đi bộ ngoài đường (ưu tiên an toàn giao thông nhé 😃).
C. Writing
Bài thi writing thì có 2 phần, task 1 là mô tả biểu đồ, task 2 là bài luận xã hội (chiếm khảng 2/3 tổng điểm), làm trong 60 phút (20/40 cho 2 bài viết).
1. Task 1
Cấu trúc bài viết & Từ vựng
Có một số dạng biểu đồ phổ biến như line, bar, pie, map, process, mixed,… Bạn nên đọc hoặc xem youtube để hiểu cách viết overall và chia đoạn cho từng dạng như thế nào. Tiếp theo là chuẩn bị từ vựng mô tả số liệu, xu hướng như tăng, giảm, ổn định, thay đổi, tỉ lệ,… rồi viết nhiều cho quen.
Thứ hai, hãy chuẩn bị những mẫu câu dùng cho introduction và overall để viết 2 phần này nhanh nhất có thể, tiết kiệm thời gian cho phần mô tả dữ liệu trong body. Đừng cố nghĩ ra những câu intro và overall fancy vì nó sẽ không đáng nếu mất quá nhiều thời gian.
Ngoài ra, hãy đọc các bài mẫu điểm cao để xem cách họ nhìn ra điểm đặt biệt của chart, cách gom nhóm các số liệu giống nhau, và flow trình bày thông tin từ câu này sang câu khác như thế nào.
Áp lực thời gian và quản lý năng lượng
Mình đã gặp vấn đề thời gian trong lúc thi. Sau 2 tiếng thi LR thì não mình bắt đầu bão hòa nên không thể nghĩ ra được các từ pharaphrased hoặc cấu trúc câu hay được nữa, chỉ còn cách viết bất cứ idea nào có trong đầu ra nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, mình vẫn mất hơn 20 phút cho task 1. Vì thế, nếu được thì các bạn nên luyện tập cùng lúc 3 môn LRW để quen với áp lực thời gian và quản lý năng lượng trong suốt thời gian thi nhé.
2. Task 2
Task 2 cũng chỉ bao gồm một số dạng đề: opinion, discuss both view, advantages & disadvantages,… nên bạn cũng cần hiểu cách viết introduction và chia đoạn cho từng dạng (cứ xem youtube nhé).
Cấu trúc bài viết
Bạn cứ dành vài phút đầu suy nghĩ cách bạn sẽ triển khai ý cho 2 body như thế nào trước khi viết. Có một vài cấu trúc đoạn bạn có thể lựa chọn linh hoạt như:
Intro → Idea 1 → Idea 2 → Idea 3 → Conclusion
Intro → Context sentence → Idea 1 → Support Sentence/Example → Idea 2 → Support Sentence/Example
Lưu ý, ưu tiêu viết đầy đủ 4-5 đoạn bao gồm intro, body, conclusion thay vì cố viết body hay mà ko đủ giờ conclude.
Triển khai idea
Mình biết một số cách để mở rộng idea của bạn như:
Quá khứ - hiện tại: Nói về việc trong quá khứ như thế nào và hiện tại đã có được điều kiện để cải thiện (ví dụ: Trong quá khứ điều kiện y tế kém nên tuổi thọ trung bình thấp → Hiện tại, nhờ vào phát triển khoa học, nên tuổi thọ cao). Thế là bạn viết được một câu context để dẫn vào Idea 1.
Nguyên nhân - kết quả: Nói về kết quả/hậu quả của idea trong câu support sentence.
… (tìm thêm trên mạng nha)
3. Tự luyện như thế nào?
Vẫn là chatGPT thôi 😄. Bạn cứ chụp đề và bài làm rồi prompt nó chấm theo tiêu chí IELTS writing là được. Nó chấm rất kỹ và khó hơn cả examiner nên luyện kiểu hardcore này sẽ tăng band nhanh đấy.
Nếu có cơ hội thì hãy đăng ký thi thử để có cảm giác thi nhé. Mình không thi thử nên bước vào phòng thi, đặc biệt là Speaking, rất áp lực :))
Và đó là trải nghiệm 1 tháng tự ôn của mình, phần nào bạn thấy mình viết nông quá thì cứ nhắn mình hoặc google thêm nhé. Hy vọng nội dung có ích một chút cho quá trình luyện thi của bạn. Good luck! 🍀
Comments