Giá trị cá nhân (Phần 1)
- Nhiên Lê
- Aug 4, 2021
- 6 min read
Updated: Feb 13, 2023
Giá trị của Giá trị cá nhân

Có lẽ bạn cũng đã nghe ở đâu đó về việc mọi người khuyên rằng chúng ta nên xác định được Giá trị cá nhân của bản thân, nhưng có thể khái niệm này còn khá mơ hồ và chính bạn của chưa hiểu được việc tìm ra Giá trị cá nhân để làm gì. Vậy trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về giá trị của Giá trị cá nhân.
Để có được một câu trả lời dễ hình dung về tầm quan trọng của nó, mình sẽ tiếp cận bằng một câu hỏi ngược lại: “Sẽ như thế nào nếu một người sống mà không biết giá trị cá nhân của bản thân là gì?”.
Bạn đã từng nghe ai đó đặt những câu hỏi như thế này chưa:
Tôi là ai?
Tôi sống vì điều gì?
Tôi có nên nghỉ công việc này không?
Tôi phải làm gì đây?
Vì sao tôi đã cố gắng đạt được mục tiêu bấy lâu nay nhưng tôi không cảm thấy vui?
Vì sao tôi không cảm thấy hạnh phúc với công việc mơ ước này?
...
Đây là những câu hỏi thường được đặt ra bởi những người không xác định được giá trị cá nhân của bản thân. Họ không hiểu được mình có tính cách gì, muốn điều gì; họ bối rối trong các quyết định lớn vì không biết được điều gì là quan trọng hơn đối với mình; họ chạy theo những tiêu chuẩn xã hội để đạt được những thành công theo định nghĩa của người khác và cuối cùng không cảm thấy hạnh phúc với điều đó.
Vậy, chúng ta có thể hiểu được rằng Giá trị cá nhân có vai trò dẫn dắt bản thân mình đến được với sự hạnh phúc, bình an trong tâm hồn, bởi mỗi hành động của chúng ta điều hướng về cùng một (hay nhiều) giá trị nhất định có ý nghĩa với cuộc sống của mình.
Định nghĩa Giá trị cá nhân
Thông thường, chúng ta gặp khá nhiều người nói về Giá trị cá nhân trong trong cuộc sống, đặc biệt là khi apply cho một vị trí nào đó luôn có những câu hỏi đại loại như: “Giá trị cá nhân của bạn là gì?”, “Giá trị cá nhân ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống hàng ngày và công việc của bạn?”, “Giá trị cá nhân của bạn phù hợp như thế nào đến vị trí bạn đang ứng tuyển?”,… (mình cũng chưa apply công việc bên ngoài quá nhiều nên chủ yếu trải nghiệm này đến từ tổ chức AIESEC, các bạn đã trải nghiệm phỏng vấn nhiều xác nhận giúp mình nhé).
Tuy nhiên, khi mình trao đổi với một số người bạn thì mình nhận thấy có một nhìn nhận phổ biến về Giá trị cá nhân đó là một tính cách hoặc thái độ đối với một việc gì đó. Ví dụ như: “giá trị cá nhân của tôi là chăm chỉ, tôi luôn chăm chỉ và siêng năng trong công việc”. Định nghĩa này không sai nhưng có lẽ không phải là cái chúng ta đang tìm kiếm.
Theo bài nghiên cứu “Personal Values in Human Life” (2017) của Shalom H. Schwartz – nhà tâm lý học xã hội người Mỹ, “giá trị” được định nghĩa là những thứ “tốt và xứng đáng”, “thể hiện đặc điểm của một cá nhân hoặc tổ chức”; còn “giá trị cá nhân” được định nghĩa là những “mục tiêu mà mỗi người muốn đạt đến” “thúc đẩy hành động và tạo ra các quy tắc định hướng trong cuộc sống của mỗi người”. Hay nói cách khác dễ hiểu hơn, “Giá trị cá nhân chính là những điều mà mỗi người chúng ta cho rằng là quan trọng, là ưu tiên cao nhất của chúng ta trong cuộc sống”. Một số giá trị cá nhân phổ biến đó là Gia đình, Bản sắc (authenticity), Chân thành (Honesty), Tự do,...
Vậy điểm khác nhau giữa định nghĩa thông thường ở trên trên và định nghĩa trong bài của Schwartz đề cập là ĐỐI TƯỢNG HƯỚNG ĐẾN. Định nghĩa thông thường hướng đến một đối tượng bên ngoài (công việc, gia đình, bạn bè,…) khi mà bản thân có giá trị đối với đối tượng đó, ví dụ như bạn giá trị thông cảm đối với gia đình, bạn bè, hay giá trị trách nhiệm đối với công việc. Còn định nghĩa còn lại thì hướng đến đối tượng là bản thân - Điều gì thật sự quan trọng và xứng đáng để chúng ta cố gắng trong cuộc sống.
Bạn cũng có thể thử tự hỏi câu hỏi đó để xem mình có thật sự hiểu giá trị cá nhân của mình chưa?
Sự hình thành của Giá trị cá nhân
Theo như nhà xã hội học Morris Massey, Giá Trị Cá Nhân được hình thành đồng thời với tính cách ở ba giai đoạn sau:
Giai đoạn In Dấu (imprint period) xảy ra từ lúc ta sinh ra đến lúc ta 7 tuổi. Chúng ta sẽ hấp thụ hết tất cả mọi thông tin diễn ra xung quanh mình và chấp nhận hầu hết chúng như sự thật, đặc biệt là từ cha mẹ của chúng ta.
Giai đoạn Bắt Chước (modeling period) được hình thành từ năm 8 tuổi đến 13 tuổi. Ở giai đoạn này, chúng ta sẽ bắt chước mọi người, thường là cha mẹ chúng ta, và những người khác nữa. Thay vì chấp nhận mọi thứ một cách mù quáng, ở giai đoạn này chúng ta thử nghiệm mọi thứ và xác định cảm nhận của chúng ta về những điều này như thế nào.
Giai đoạn Xã Hội Hóa (socialization period) từ 14 tuổi đến 21 tuổi (và có thể kéo dài sau đó). Ở giai đoạn này chúng ta bị ảnh hưởng rất lớn bởi những các mối quan hệ trong xã hội, đặc biệt là bạn bè. Trong quá trình phát triển, chúng ta sẽ tìm kiếm những cách để giúp chúng ta thoát khỏi những niềm tin, giá trị mà chúng ta được lập trình từ nhỏ. Vì vậy, một cách tự nhiên chúng ta sẽ tìm đến những người "có vẻ" giống chúng ta. Các ảnh hưởng khác trong giai đoạn này còn bao gồm truyền thông, sách vở, công nghệ, thần tượng, thời đại chúng ta sống…
Từ lý thuyết phát triển giá trị/tính cách này, chúng ta có thể hiểu ra một điều đó là những giá trị chúng ta đang có hầu hết được xây dựng từ những người chúng ta đã tiếp xúc gần gũi. Vậy, việc quan sát và nhìn nhận những giá trị của những người thân xung quanh cũng có thể góp phần giúp bạn tìm ra được những giá trị cá nhân của mình.

Ngoài ra, việc nắm được cơ chế hình thành giá trị còn mang đến một kết luận rằng: gần như giá trị cá nhân của chúng ta đã được hoàn thiện ở thời điểm hiện tại (sinh viên trở lên) và cách để tìm ra nó không phải là hướng ra ngoài các đối tượng khác mà là hướng vào bên trong của bản thân.
Mỗi người có bao nhiêu Giá trị cá nhân?
Thông thường, nhiều người (hoặc ít nhất là có mình) sẽ nghĩ rằng khi nhắc đến giá trị cá nhân thì mỗi người sẽ chỉ có mỗi giá trị duy cốt lõi duy nhất. Tuy nhiên, cũng theo bài nghiên cứu “Personal Values in Human Life” (2017) của Shalom H. Schwartz – nhà tâm lý học xã hội người Mỹ , giá trị cá nhân của mỗi người sẽ bao gồm nhiều giá trị được xếp thành một hệ theo thứ tự ưu tiên hay tầm quan trọng giảm dần từ trên xuống, đống vai trò như những nguyên tắc sống của mỗi người.

Ví dụ, bạn có một hệ giá trị theo thứ tự từ trên xuống bao gồm Gia đình, Mối quan hệ, Tự do, Phát triển bản thân,... thì khi phải quyết định một việc gì đó quan trọng, hệ giá trị này sẽ là thước đo đúng sai và dẫn đường cho các quyết định của bạn.
Theo khảo sát, những giá trị thể hiện sự quan tâm người khác là những giá trị trên tầng cao mà nhiều người trong xã hội sở hữu nhất, và ngược lại, những giá trị thể hiện sự kiểm soát người khác lại có vị trí thấp trong đa phần hệ giá trị của mọi người.
Và vì vậy, mỗi người sẽ có nhiều giá trị cá nhân khác nhau, được sắp xếp khác nhau từ đó hình thành một hệ giá trị độc lập cho bản thân, tạo nên sự độc nhất trong cách nghĩ và dẫn dắt các quyết định trong cuộc sống. Nên đừng bị lệ thuộc vào suy nghĩ, mục tiêu hay chạy theo định nghĩa thành công của người khác vì mỗi người sẽ có những thứ quan trọng của riêng mình.
Ngoài ra, có một tính chất của hệ giá trị đó là sự thay đổi thứ tự các giá trị. Mặc dù giá trị cá nhân gần như là bất biến nhưng thứ tự (mức độ quan trọng) của các giá trị trong hệ có thể thay đổi qua thời gian hoặc sự kiện lớn trong đời. Trường hợp thay đổi thứ tự giá trị phổ biến nhất đó chính là khi một người lập gia đình và sinh con, lúc này giá trị Gia đình sẽ trở nên quan trọng hơn, thậm chí là trở thành giá trị ưu tiên cao nhất trong hệ giá trị của người đó.
- Nhiên Lê -
Comentarios