top of page

Giá trị cá nhân (Phần 2)

  • Writer: Nhiên Lê
    Nhiên Lê
  • Aug 4, 2021
  • 8 min read

Updated: Feb 11, 2023

Định nghĩa thành công và Giá trị cá nhân


Như thế nào gọi là THÀNH CÔNG?

Mình từng có một cuộc trò chuyện với cậu mình như thế này:

  • Cậu nghĩ điều quan trọng nhất đối với cậu trong cuộc sống là gì?

  • Là gia đình.

  • Cậu nghĩ mình có đang thành công không?

  • Theo định nghĩa của riêng cậu thì cậu nghĩ mình đang thành công.

  • Cậu cảm thấy mình bắt đầu thành công từ lúc nào?

  • Ngày cậu nhận được tháng lương đầu tiên và cầm tất cả mang về đưa cho bà ngoại. Kể từ ngày đó cậu cảm thấy mình thành công.

Bạn có nhìn thấy được điều gì đặc biệt trong câu chuyện này không? Từ cuộc trò chuyện này mình đã nghiệm ra được một thức đó là: giá trị cá nhân mới là thứ định nghĩa nên sự thành công trong cuộc sống của mỗi người thay vì tiền bạc hay địa vị như tiêu chuẩn của xã hội.


Ở đây mình nghĩ các bạn sẽ thấy xuất hiện một vài vấn đề. Do định nghĩa về thành công thông thường sẽ cần thành tựu để chứng minh, vì thế một số giá trị cá nhân trù tượng như sự tri thức, sự tự do, sự chân thành,… sẽ khó mà xác định được khi nào chúng ta thành công.


Để trả lời câu hỏi này thì cần lý giải thêm một điều nữa đó là cảm giác thành công. Mình định nghĩa cảm giác thành công tương đương với cảm giác hạnh phúc (vì nó không chỉ nói về công việc mà là cả cuộc sống).


Cảm giác hạnh phúc mà mọi người thường nói suy cho cùng cũng sẽ là một cảm xúc tại một thời điểm nhất định, như khi bạn đạt được một thành tựu, hay khi bạn ngẫm nghĩ về cuộc đời ý nghĩa của mình, hay khi bạn cảm nhận sự yêu thương của gia đình,… các chất dẫn truyền thần kinh tạo sự vui vẻ (như dopamine, endorphins, serotonin, oxytocin,...) sẽ tăng cao tạo ra cảm giác hạnh phúc. Và vì vậy, để đạt được cảm giác hạnh phúc liên tục và bền vững, chúng ta cũng sẽ phải hướng đến một thành công liên tục và bền vững, để mỗi khi chúng ta nghĩ về cuộc đời mình đều cảm thấy sự hạnh phúc đó. Cái mình đang nói đến là cuộc sống hàng ngày của chúng ta.


Nếu mình hy sinh các giá trị cá nhân ở hiện tại và cố gắng rất nhiều năm để đạt được một thành tựu nào đó thì thật ra mình đã không thành công vì chặn đường đó không được xây dựng trên những giá trị cá nhân của bản thân (mình không cổ súy mọi người luôn làm theo những gì mình thích, mà chỉ nói về việc quá trình đó không nên đi ngược lại với giá trị cá nhân của bản thân).


Kết luận lại luận điểm này: Các giá trị trong hệ giá trị cá nhân sẽ định nghĩa được sự thành công (hay sự hạnh phúc) của mỗi chúng ta là gì. Nói cách khác, chúng ta sẽ cần luôn cân bằng và giữ được ở mức cao những điều chúng ta xem là quan trọng trong cuộc sống (vi dụ như Gia đình, Tự do, Tri thức, Bạn bè,...) để đạt được đó.


Tìm kiếm Giá trị cá nhân

Các bạn có nhìn thấy mình và mọi người xung quanh đang đi trên con đường tìm kiếm bản thân không? Đây là một cuộc hành trình cả đời vì chúng ta sẽ luôn thấy bản thân mình thay đổi. Tuy nhiên, chúng ta luôn cố gắng để thấu hiểu bản thân trong thời điểm hiện tại để có được sự định hướng đúng đắn cho mỗi quyết định và hành động trong cuộc sống. Vậy làm thế nào để tìm ra được ‘mình là ai’?


Đầu tiên, mình sẽ giới thiệu ngắn gọn về cơ chế nhận thức bản thân như sau. Tất cả mọi hành động và cảm xúc hàng ngày của chúng ta sẽ đến từ các mô thức - hay cách nhìn nhận cuộc sống - của bản thân. Thông qua các trải nghiệm thường ngày, các hành động và cảm xúc này sẽ có xu hướng lặp đi lặp lại tạo thành một khuôn mẫu (pattern). Sau đó, thông qua sự quan sát, nhìn nhận, lắng nghe, và thấu hiểu các pattern đó, chúng ta sẽ rút ra được những nhận thức mới về bản thân mình.

Ví dụ, bạn là một người có giá trị Chân thành (honesty) rất mạnh. Giá trị đó sẽ dẫn dắt các hành vi của bạn trong cuộc sống, ví dụ như không chấp nhận được bất cứ sự giả dối nào, thậm chí là những trò đùa (prank). Khi đó, bạn sẽ có những cảm xúc bức xúc, giận dữ như có gì đó đang bước qua giới hạn của mình. Sau nhiều trải nghiệm liên quan đến sự chân thành, bạn ngẫm nghĩ lại và nhận ra rằng mình luôn có cùng một phản ứng và cảm xúc đối với sự việc đó. Từ đó, bạn sẽ suy luận ra rằng giá trị chân thành thật sự rất quan trọng đối với mình và bạn luôn cố gắng để đạt được giá trị đó. Và đó cũng là giá trị cá nhân của bạn.

Vì vậy, điểm cốt lõi của con đường tìm ra bản thân mình nằm ở việc Trải nghiệm nhiều hơn để những hành động và cảm xúc của bạn có cơ hội được thể hiện và tạo ra những pattern rõ ràng hơn, và Lắng nghe bản thân (self-reflection) nhiều hơn bằng cách viết nhật ký, xây dựng thói quen nhìn lại những trải nghiệm của bản thân để nhìn ra được ý nghĩa của những pattern đó nhanh hơn. Đó chính là cơ chế của việc nhận thức được bản thân mình.


Cuối cùng, cái mà các bạn cần nhìn nhận và trả lời đó là: “Điều gì là quan trọng nhất đối với bạn trong cuộc sống?”


Nghịch lý của Giá trị cá nhân

Vì sao chúng ta hành động ngược lại với Giá trị cá nhân?


Có một nghịch lý khá phổ biến luôn xảy ra, đó là chúng ta đôi khi sẽ không thực hiện tốt những thứ chúng ta cho là Giá trị cá nhân - thứ quan trọng nhất đối với cuộc đời của mình. Vì sao những thứ quan trọng nhất đối với mình nhưng mình lại không thực hiện tốt nó? Vì sao giá trị cá nhân của bạn là gia đình nhưng bạn thường cãi nhau với họ và làm họ buồn? Vì sao giá trị cá nhân của bạn là bản sắc (authenticity) nhưng bạn lại phán xét người khác?... Ở đây mình có 2 luận điểm:


1. Tiêu chuẩn của bạn được tạo ra từ điều gì?

Chuẩn mực của một giá trị thường sẽ được dựa trên các nhìn nhận của số đông trong xã hội, bất kể là đạo đức, sự tự do, sự yêu thương gia đình hay sự tri thức. Lí do là vì những giá trị này đều không có giới hạn và không thể đo lường.

Trên thực tế, nếu mình đặt giá trị cá nhân của bản thân là tri thức (một giá trị tương đối trừu tượng) thì mình không thể nào xác định được mình đã tri thức hay chưa bằng đơn vị đo lường, mà vấn đề sẽ nằm ở cảm nhận chủ quan của bản thân và người khác. Mình đang viết những thứ này có thể được cho là có tri thức hoặc “chưa tới” tùy theo tiêu chuẩn của mỗi người. Vì vậy, việc hành động đúng theo giá trị cá nhân của bản thân hay không là do mỗi người tự cảm nhận về mức độ và sự hài lòng của bản thân đối với chính mình.


2. Sự mâu thuẫn giữa các bản thể

Ở luận điểm thứ 2, mình sẽ phân tích dựa trên một lý thuyết phân tâm học. Theo nhà phân tâm học Sigmund Freud, tính cách con người sẽ được chia thành 3 yếu tố: bản năng (Id), bản ngã hay cái tôi (ego) và siêu ngã hay cái siêu tôi (superego).

  • Bản năng (Id) là thành tố duy nhất của tính cách xuất hiện từ lúc mới sinh ra. Khía cạnh này của tính cách hoàn toàn là vô thức, gồm nhiều hành vi thuộc về bản năng nguyên thủy. Bản năng bị điều khiến bởi nguyên lý thỏa mãn, tức luôn đi tìm kiếm sự dễ chịu, thoải mái ngay tức khắc, đáp ứng lại mọi khao khát, ham muốn và nhu cầu. Nếu những nhu cầu này không được ngay lập tức đáp ứng, chủ thể sẽ rơi vào trạng thái lo âu hoặc căng thẳng. Ví dụ, cơn đói hay cơn khát tăng lên sẽ làm xuất hiện nỗ lực tìm kiếm cái ăn hay đồ uống ngay lập tức.

  • Bản ngã (Ego) là thành phần của tính cách chịu trách nhiệm giúp ta xoay xở với đời sống thực. Bản ngã phát triển nên từ bản năng, và nhiệm vụ của nó là đảm bảo những thôi thúc của bản năng được thể hiện ra một cách dễ chấp nhận trong đời sống xã hội.

  • Thành phần xuất hiện cuối cùng của tính cách là siêu ngã (Superego). Siêu ngã là một phần trong tính cách nắm giữ tất cả những tiêu chuẩn đạo đức và lý tưởng mà bạn tiếp nhận từ cả cha mẹ và xã hội – nó chính là cảm nhận của chúng ta về cái đúng cái sai trong cuộc sống. Siêu ngã chỉ dẫn giúp ta đưa ra phán xét và tạo nên một hình mẫu lý tưởng mà chúng ta hướng đến trong cuộc sống.

Để dễ hình dung thì siêu ngã giống như thiên thần đứng trên vai phải, bản năng là ác quỷ đứng trên vai trái, còn bản ngã chính là bạn.


Quay lại với câu hỏi trên: “Vì sao chúng ta không hành động theo giá trị cá nhân của mình?”. Ở đây mình sẽ cho rằng giá trị cá nhân của mỗi người được tạo ra bởi siêu ngã, vì nó được cấu thành từ những điều tốt đẹp và chuẩn mực (mình chưa bao giờ nghe ai nói giá trị cá nhân của bản thân là lười biếng). Cũng vì thế, chúng ta có thể dựa trên lý thuyết phân tâm để đưa ra luận điểm rằng việc chúng ta không làm theo được những giá trị cá nhân của bản thân là do chúng ta không đủ kỷ luật và ý chí để kiềm hãm, chi phối bản năng mà bị nó kiểm soát ngược lại. Dẫn đến việc các hành động của chúng ta điều hướng đến sự thõa mãn nhất thời và đi ngược lại với những giá trị được đề ra bởi siêu ngã. Tuy vậy, những giá trị đó vẫn rất quan trọng đối với chúng ta, và vì vậy chúng ta sẽ liên tục dằn vặt trong cuộc sống hàng ngày.

 

Và đây cũng là bài viết về Giá trị cá nhân của mình. Đương nhiên mình vẫn chưa thể liên kết được tất cả những kiến thức liên quan đến chủ đề rất rộng lớn này, nên mong rằng các bạn quan tâm sẽ cùng trao đổi thêm dưới phần bình luận. Hy vọng những điều trên sẽ giúp bạn nhận thức được điều gì đó về bản thân. Chúc bạn có được một hành trình khám phá bản thân thật thú vị. Xin chào!

Comentarios


bottom of page