Làm những việc mình chưa sẵn sàng (Phần 1)
- Nhiên Lê
- Feb 22, 2023
- 5 min read
Updated: Feb 23, 2023
Bài viết này mình sẽ kể về những trải nghiệm và đúc kết khi đối mặt với thử thách trong quá trình phát triển tư duy và kỹ năng của bản thân mình. Và đương nhiên, những trải nghiệm và kinh nghiệm này cực kỳ cá nhân nên sẽ không thể áp dụng được cho tất cả đối tượng, nhưng nếu nó phù hợp với bạn thì mình rất vui vì đã chia sẻ được những tâm tư này.

Đầu tiên, để chúng ta cùng nhìn về cùng một vấn đề, mình sẽ định nghĩa “những việc mình chưa sẵn sàng” là những thử thách, những việc khó, làm mình chần chừ, ngại đối mặt, không chắc chắn, tạo ra nổi sợ thất bại lớn vì tin rằng bản thân chưa đủ năng lực để thực hiện. Có thể lấy ví dụ như việc tham gia một cuộc thi, nhận một dự án lớn, thuyết trình trước đám đông, làm quen một người mình thích,… Mình tin rằng mỗi người điều sẽ luôn gặp những việc như thế trong suốt cuộc đời tại bất cứ thời điểm nào, vì cơ hội để làm một việc gì đó thì luôn xuất hiện nhưng sẵn sàng cho một việc gì đó lại không dễ dàng.
Mình nghĩ rằng đa phần mọi người không dám làm một việc gì đó với lý do sợ thất bại và sẽ mang lại một hậu quả xấu như bị phán xét, phải chấp nhận bản thân không đủ năng lực, sợ mất một mối quan hệ,… Vì vậy, phân tích và hiểu được nổi sợ của bản thân có vẻ làm một hướng tiếp cận khả thi. Tuy nhiên, mình sẽ không muốn đề cập đến lý thuyết hình thành nổi sợ một cách khoa học máy móc hoặc kể cả tâm linh để giải quyết vấn đề này. Thay vào đó, chúng ta có thể dùng chính sự đánh giá chủ quan về nổi sợ (nổi sợ lớn hay nhỏ) để tác động đến nó.
Hãy dùng ví dụ nổi sợ phát biểu hoặc thuyết trình trước đám đông. Các bạn có nghĩ đây là một một nổi sợ lớn không? Vì sao?
Mình là một người hướng nội, luôn cố gắng để không bị đánh giá tệ trong mắt nhiều người, và tất nhiên, đã từng trải qua nổi sợ này… nhiều lần. Và sau khi trải qua một vài lần thuyết trình, khi có đủ từ ngữ để phản ứng với tình huống, có nội dung trong đầu để nói ra, hình dung được người nghe sẽ cảm nhận như thế nào thì cảm giác sợ đó không còn (tuy nhiên, đôi khi mình không đủ hiểu những đối tượng đang lắng nghe thì nổi sợ vẫn xuất hiện). Vì vậy, điều đầu tiên chúng ta dễ dàng rút ra đó là kinh nghiệm sẽ là một trong các chìa khóa tự nhiên để giải quyết nổi sợ, các kịch bản hậu quả sẽ được lường trước và có thể chuẩn bị cho việc phản ứng với nó. Nhưng đối với những việc chúng ta không có kinh nghiệm thì sao nhỉ?
Quan niệm về thất bại và sự hối tiếc
💡 Nếu bạn đang sống ở tuổi 80 của cuộc đời và được viết một lá thư về một điều nhắn nhủ cho bản thân hiện tại, bạn sẽ viết điều gì?
Đây là câu hỏi mình được hỏi từ khi còn là một đứa sinh viên năm ba rụt rè. Tuy câu hỏi không quá mới nhưng tác động rất lớn đến thế giới quan và cách nhìn nhận vấn đề của mình. Ở tuổi 80, có lẽ nổi sợ phát biểu trước đám đông, ngại làm quen người mình thích, chủ động thực hiện một dự án cá nhân nào đó, trở nên nhỏ bé và chỉ còn là những trải nghiệm trong đời. “Có lẽ chúng ta thường không hối tiếc vì những việc đã làm, mà là vì những việc đã không làm”. Khi đó, mình năm 80 tuổi đã gửi lời nhắn “đừng quá sợ” cho bản thân hiện tại, và mỗi khi gặp phải một vấn đề lớn, góc nhìn của bản thân năm 80 tuổi luôn giúp mình nhận ra vấn đề đó thật sự “lớn” đến mức nào, ý nghĩa với cuộc đời mình như thế nào, và có một thái độ bình tĩnh hơn để đối mặt điều đó. Thậm chí, chính sự thất bại lại trở thành niềm tự hào hoặc một cái cười mỉm khi nhớ lại sự nhiệt huyết ngây ngô của chính mình ngày trước. Góc nhìn đó giúp mình tạm thời bỏ qua được cái tôi trong hiện tại mà nhìn xa hơn, bao quát hơn đối với bất cứ việc gì và đẩy lùi được nổi sợ sinh ra bởi cái tôi hiện tại đó. Bạn cũng có thể thử đặt câu hỏi này cho bản thân khi phải đối mặt với vấn đề nhé!

Ở một hướng tiếp cận khác, mình từng có một bài viết liên quan đến Infinite Game (trò chơi vô hạn). Infinite Game tái định nghĩa lại cuộc đời là một cuộc chơi dài và vô hạn ở nhiều chiều hướng: không có quy định luật chơi, không có trọng tài, không có đối thủ và đồng đội rõ ràng, không có thời hạn định trước,… Đồng nghĩa với việc chiến thắng trong một infinite game cũng không giống nhau đối với mỗi người. Chiến thắng có thể là vật chất, là các mối quan hệ, là trải nghiệm đẹp, là giá trị tạo ra cho xã hội, là bất cứ điều gì bản thân mình trân trọng. Và cũng vì thế, định nghĩa thất bại cũng được đặt ra bởi chính sự chiến thắng đó. Khi mình cảm thấy bản thân chiến thắng, luôn sẽ có những người ngoài kia không hiểu được cảm giác đó, và ngược lại, khi cảm thấy thất bại, vẫn sẽ có người ngưỡng mộ những điều bạn đã trải qua. Sự chiến thắng và thất bại do chính những giá trị bản thân mình trân trọng quyết định, nên khi đã biết bản thân mình muốn chiến thắng như thế nào thì có lẽ rất nhiều nổi sợ sẽ không còn ý nghĩa.
Bản thân mình đã chọn sự tự do, thông thái và các mối quan hệ tốt định nghĩa cho sự chiến thắng. Vì thế mình luôn có một hướng đi đúng để trở về mỗi khi lạc lối, lo lắng vì những yếu tố bên ngoài ví dụ như áp lực đồng trang lứa. Chỉ cần bản thân biết rằng mình đang cố gắng bước từng bước đến sự chiến thắng của riêng mình thì lòng mình sẽ bình an hơn và biết ơn chính mình vì đã cố gắng mỗi ngày.
- Nhiên Lê -
Comments