top of page

Làm những việc mình chưa sẵn sàng (phần 2)

  • Writer: Nhiên Lê
    Nhiên Lê
  • Jan 16, 2024
  • 9 min read

Updated: Jan 17, 2024

Mình đã từng có một bài viết về vấn đề này (phần 1) nói về góc nhìn tâm lý nghi ngại khi đối mặt với những việc làm bản thân chưa có kinh nghiệm vì nỗi sợ thất bại. Ở bài viết này, mình sẽ tiếp cận một khía cạnh khác của vấn đề - bản lĩnh để đối mặt với những điều mình chưa sẵn sàng.


Giàu phá sản và Nghèo bền vững, bên nào khổ hơn?

Mình đã từng có một câu hỏi nảy ra trong đầu từ vài năm trước: “Người giàu phá sản trở nên nghèo và người đã nghèo từ nhỏ đến lớn, ai là người khổ hơn?” (xét ở trường hợp người giàu này chưa từng nghèo khó).


Mình tin rằng có 2 quan điểm để trả lời cho câu hỏi này:

  • Quan điểm 1: Người giàu này chí ít đã từng có những trải nghiệm sung sướng trước đây nên sẽ không thể khổ bằng người chưa từng có.

  • Quan điểm 2: Người giàu này sẽ chịu cú sốc tâm lý lớn hơn vì cuộc sống họ sẽ thay đổi hoàn toàn, và có thể họ sẽ ít năng lực đối mặt với những khó khăn cuộc sống hơn người đã quen thuộc với chúng.


Mình sẽ là người nghiêng về quan điểm 2 vì mình tin rằng việc khổ nhất trên đời là ‘không đủ năng lực đối mặt với khó khăn’. Ngay từ đầu, một khi tâm lý họ suy sụp khi nhìn thấy những khó khăn trước mắt, họ sẽ không thể bước tiếp hoặc thậm chí là lùi lại và tìm cách chạy trốn thực tại này. Và mình cũng nghĩ rằng, đây là điểm mấu chốt tạo nên sự khác biệt giữa người bình thường và người đặc biệt - năng lực đối mặt với khó khăn, hay mình gọi đó là bản lĩnh.


Bản lĩnh là gì?

Một cách chủ quan dựa trên kinh nghiệm cá nhân, mình định nghĩa “bản lĩnh” bằng 3 yếu tố chính: Nội lực, Sự tự tin và Tính trách nhiệm.

  • Nội lực là năng lực nội tại của mỗi người, bao gồm cả năng lực học tập, làm việc, kết nối,… là thứ giúp bản thân có giá trị trong xã hội. Đây cũng có thể là điều kiện cần để có thể đối mặt và vượt qua vấn đề, vì nếu không đủ năng lực, những yếu tố khác cũng chẳng thể giúp chúng ta giải quyết được vấn đề hoặc nếu có thì cũng sẽ không bền vững. Lấy một ví dụ đơn giản: nếu tình cờ xe mình có vấn đề giữa đường, năng lực giúp mình vượt qua được tình huống này bao gồm năng lực xã hội - hỏi đường đến tiệm sửa xe gần nhất, năng lực đàm phán - deal lại thời gian bắt đầu cuộc họp hoặc công việc sắp diễn ra, năng lực tài chính - có một khoản tiền ngay lập tức để sửa chữa chiếc xe,… Năng lực cũng là thứ bản thân mình luôn trăn trở và dành hầu hết thời gian để ưu tiên đầu tư cho nó. Một khi có được một nội lực nhất định, chúng ta sẽ xây dựng được yếu tố thứ 2 - Sự tự tin.

  • Sự tự tin không chỉ đơn giản là tin vào bản thân mà còn bao gồm cả self-awareness (nhận thức bản thân), hiểu được những điểm mạnh, yếu của bản thân và lý do mình nên làm điều gì đó. Từ đó biết được bản thân có thể làm gì và cần làm gì trong tình huống đang gặp phải. Một khi nhận thức rõ ràng về năng lực bản thân và mục đích của hành động thì chúng ta sẽ loại bỏ được phần nào những lo lắng rất bản năng như sợ sai, sợ bị chê cười, phán xét,… mà cứ thế đối mặt và giải quyết vấn đề. Mục đích hay ý nghĩa của hành động càng lớn khi trách nhiệm của bản thân càng lớn.

  • Tính trách nhiệm là tư duy tự chủ cuộc sống, sẵn sàng nhận trách nhiệm cho mọi sự việc xảy ra trong cuộc sống của mình. Ví dụ, nếu ngày hôm nay mình có một ngày làm việc tồi tệ, mệt mỏi, thay vì đổ lỗi cho đồng nghiệp không nhiệt tình hỗ trợ, lãnh đạo không hiểu được nhân viên, môi trường làm việc không chuyên nghiệp, bạn bè người thân không an ủi động viên,… mà trách nhiệm đó sẽ thuộc về mình - mình chưa đủ năng lực để chinh phục công việc này, chưa đủ sức khỏe để giữ cho tinh thần tỉnh táo,.. và vì thế, mình cần phải phát triển bản thân hơn để vượt qua sự khó khăn này. Từ đó, mục đích của mọi hành động sẽ do mình tự chủ và thúc đẩy sự tin tưởng của bản thân vào hành động của chính mình.

Và như thế, 3 yếu tố này sẽ bổ trợ nhau tạo ra một tinh thần vững vàng để đối mặt và vượt qua khó khăn ngay cả khi bản thân chưa “sẵn sàng” (không lường trước được) - thứ được gọi là bản lĩnh.


Mình đã xây dựng bản lĩnh như thế nào?

Khi nói về việc xây dựng bản lĩnh, mình sẽ nghĩ đến một chặng hành trình dài và rải rác những chướng ngại vật - thứ mà bản lĩnh sẽ đưa mình vượt qua để có thể tiếp tục cuộc hành trình đến những giá trị mà mình khao khát trong cuộc sống.


1. Xây dựng nội lực

a. Năng lực tư duy 🧠

Như bao đứa trẻ Việt Nam khác, mình được nuôi dưỡng trong một môi trường có tư tưởng cạnh tranh win-lose, thường được so sánh với người khác và chú trọng thành tích. Từ nhỏ, mình được gia đình đầu tư để có được năng lực học tập. Mình may mắn thích ứng được với môi trường này, phát huy được năng lực học và duy trì được nó đến sau này. Ở đây mình cần nhấn mạnh năng lực học là một trong số “transferable skill” - kỹ năng có thể áp dụng trong đa dạng trường hợp và lĩnh vực khác nhau, nên các kỹ năng này sẽ giúp chúng ta tạo ra nhiều cơ hội trong bất kỳ hoàn cảnh nào.


Dựa vào nền tảng của năng lực học tập, mình có thể tiếp thu được đa dạng kỹ năng phục vụ cho công việc và đời sống, đặc biệt là liên quan đến tư duy logic - điểm mạnh của mình. Bên ngoài việc thu nhận kiến thức thụ động, mình dành hầu hết khoảng thời gian đại học để hoạt động trong một tổ chức sinh viên quốc tế (AIESEC) và thử nghiệm với đa dạng vị trí công việc để tìm ra được “sân chơi” phù hợp với mình - ngành dữ liệu. Khi được đặt vào môi trường phù hợp, tiềm năng sẽ được phát triển thành nội lực. Hiện tại mình vẫn đặt những routine học tập về cả chuyên môn và các kiến thức khác mỗi ngày mỗi tuần theo một kế hoạch từ dài hạn đến ngắn hạn để bản thân luôn phát triển.


b. Năng lực tài chính 💰

Bên cạnh năng lực tư duy, mình bắt đầu bắt tay vào một loại năng lực mang tính chiến lược hơn trong cuộc sống - năng lực tài chính. Một cách khách quan, tiền bạc là thứ đủ mạnh để làm cho hầu hết mọi vấn đề được giải quyết dễ dàng hơn. Mình đã dành nhiều sự quan tâm cho chủ đề Tài chính cá nhân, đọc một số sách, xem một số video, xây dựng một tool nho nhỏ về quản lý tài chính cá nhân, và có một kế hoạch tương đối dài hạn để xây dựng nền tảng tài chính bền vững. Mình tin rằng tiền bạc có thể mua được cho mình phần nào đó tự do và sự dễ dàng trong tương lai, và trở thành nội lực của bản thân trong việc giải quyết các vấn đề.


c. Năng lực xã hội 🌏

Kế đến, mạng lưới xã hội là loại năng lực mình luôn trăn trở vì đây là điểm mình yếu. Mình là một người hướng nội ngại giao tiếp nên việc tạo các mối liên kết xã hội đối với mình là khá khó khăn. Mình chỉ có thể kết nối với người khác thông qua những chủ đề mình thật sự hiểu biết và có quan tâm, từ đó sự liên kết được hình thành dựa trên sự tò mò của đối phương. Cũng vì cơ sở kết nối khá lỏng lẻo đó, mình có khá ít bạn bè - người có thể chia sẻ được những suy nghĩ sâu sắc cùng nhau. Để xây dựng được nền tảng nội lực ở khía cạnh quan hệ xã hội, mình tập trung vào việc kiểm soát bản thân để không làm tổn hại hay tổn thương tâm lý những người xung quanh thay vì cố gắng thu hút họ. Còn lại, một khi có duyên, mình sẽ có thể kết nối được với họ.


Ngoài ra, còn rất nhiều loại nội lực khác chúng ta cần xây dựng mà mình chưa kể đến bao gồm cả sức khỏeđức tin để chúng ta trở nên vững vàng trong cuộc sống. Nếu bạn muốn xây dựng một kế hoạch phát triển nội lực của bản thân, bạn hãy liệt kê ra những loại nội lực quan trọng và có ích trên hành trình đến với mục tiêu của bạn. Bạn cũng có thể tham khảo ví dụ đơn giản mình đã sử dụng để đặt ra 2024 Resolution của bản thân.


2. Xây dựng tính trách nhiệm

Mình đã được khai sáng về tư duy chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình từ quyển “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế” đọc từ năm lớp 11. Vào thời điểm đó, mình đã nhận ra bản thân có quyền lực kiểm soát hầu hết những thứ diễn ra trong cuộc sống của mình. Ví dụ đơn giản như: mình sẽ hay cáu gắt khi thời tiết nóng nực, và để kiểm soát được điều đó, mình có thể mang theo một chiếc quạt tay nhỏ hoặc chủ động tìm chỗ mát mẻ hơn, vấn đề sẽ được giải quyết. Điểm mấu chốt là ngay từ đầu, mình phải nhận trách nhiệm của việc nóng nực về mình để chủ động tìm cách giải quyết, thay vì cứ cáu gắt với mọi người và chẳng giải quyết được gì cả. Tư duy đơn giản đó đã thay đổi cách mình hành động. Một khi biết được bản thân là “đại cổ đông” trong cuộc sống này, mình sẽ tin rằng mình có quyền và có lực để thay đổi bất cứ điều gì mình muốn.


Trong quá trình phát triển từ năm lớp 11 đến hiện tại, mỗi một trải nghiệm mình chịu nhận trách nhiệm, mình đều sẽ giải quyết được vấn đề hoặc học được một điều gì đó.


3. Xây dựng sự tự tin

Mình cũng đã từng là một đứa nhóc vô cùng tự ti và ngại giao tiếp. Mình sẽ cảm thấy rất áp lực khi phải nói chuyện với người lạ, kể cả khi nghe điện thoại từ họ. Mình thậm chí từng phải chuẩn bị kịch bản khi đến một buổi hẹn cafe thông thường với một người quen (nhưng không thân lắm). Mình sẽ run khi phải nói trước đám đông, kể cả là đặt câu hỏi cho diễn giả trong một sự kiện. Mình sẽ luôn nghĩ lại những lời nói mình đã nói với một ai đó sau buổi trò chuyện để tự “check var” bản thân xem có nói sai câu nào không. Tất cả những hành vi thái quá đó đến từ việc mình chưa đủ tự tin.


Sau một thời gian suy ngẫm, mình đánh giá bản thân thiếu 3 điều sau:

  • Kinh nghiệm - để biết được mình nên làm gì trong tình huống nào. Khi đã có nhiều kinh nghiệm, chúng ta sẽ lường trước được những rủi ro có thể xảy ra làm bản thân bình tĩnh hơn khi đối mặt;

  • Nội lực - những chất liệu thật sự đến từ bên trong và tự nhận thức được nó. Rất hiển nhiên, khi chúng ta biết mình có thể làm được, thì đó là lúc chúng ta tự tin hơn bao giờ hết;

  • Lý do - để biết vì sao bản thân nên làm điều này. Một khi hành động xuất phát từ một lý do lớn thì dù bản thân có chưa sẵn sàng cũng sẽ tràn đầy động lực để thực hiện điều đó.

Kinh nghiệm và nội lực cần được xây dựng trong một thời gian dài trải nghiệm và học hỏi từ bên ngoài. Mặt khác, lý do của mỗi người được khám phá từ những chiêm nghiệm của bản thân từ bên trong - tìm cho mình một sứ mệnh trong cuộc sống để thúc đẩy mọi quyết định hành động. Mình đã tìm được cho bản thân những lý do lớn vào năm 25 tuổi. Từ đó thúc đẩy bản thân thu thập kinh nghiệm và xây dựng nội lực một cách có mục đích và chiến lược hơn.

 

Bản lĩnh là một tài sản quý giá, giúp người ta vượt qua mọi trở ngại và chinh phục cuộc sống mình mong muốn. Cũng như mọi loại tài sản khác, bản lĩnh cũng cần chúng ta đầu tư, và vốn ở đây là thời gian, trải nghiệm, tâm tư, hành động. Một khi đã xây dựng được sự bản lĩnh, mọi khó khăn sẽ trở thành những thử thách thú vị.


-Nhiên Lê-

1 commentaire


Invité
20 janv. 2024

Bài viết hay, rất phổ quát!!!

J'aime
bottom of page