Sống vì mình hay vì người khác?
- Nhiên Lê
- Aug 23, 2021
- 4 min read
Mấy hôm nay mình có vài suy nghĩ về quá trình trưởng thành, hay cụ thể hơn là quá trình hình thành thế giới quan hay hệ giá trị của một người. Vấn đề bắt nguồn từ câu hỏi: “Mình nên sống với bản sắc cá nhân hay hòa hợp với mọi người? Mình nên sống là chính mình, theo đuổi những gì mình muốn hay nên điều chỉnh bản thân phù hợp theo xã hội?”. Đây chắc là câu hỏi muôn thuở của người trẻ (đặc biệt là người có nhiều quan điểm cá nhân khác với những người xung quanh) mỗi khi nói về việc theo đuổi ‘đam mê’, lựa chọn hướng đi cho tương lại, hay rộng hơn là tìm kiếm một cách sống cho bản thân, và nó cũng nói lên bản chất âm dương của cuộc sống. Chắc chắn rằng không ai có thể đưa ra câu trả lời chính xác cho việc nên chọn bên nào, và câu trả lời đúng sẽ luôn là… “còn tùy”.
Trong Sapiens, chúng ta hiểu được điều đặc biệt của loài người so với các loài khác là những sản phẩm đến từ tâm trí ưu việt của mình (thần linh, luật pháp, công ty,...) tạo nên những nền văn minh có khả năng tổ chức hàng triệu, hàng tỉ cá nhân cùng sinh sống và làm việc. Tính chất xã hội đó đã “tạo nên” giống loài này, nên dù xét về góc độ di truyền như các bản năng sinh tồn theo cộng đồng có sẵn trong gene, hay xét về cách vận hành của cuộc sống và xã hội, chúng ta cũng luôn cần “những người xung quanh”.
Trong The 7 Habits of Highly Effective People, mô hình 7 thói quen được xây dựng dựa trên 3 tầng/giai đoạn của sự trưởng thành: Phụ thuộc (Dependence), Tự chủ (Independence), và Tương thuộc (Interdependence). Ý nghĩa rút ra đó là nếu chỉ dừng lại ở mức kiểm soát được bản thân thì vẫn chưa đủ để trưởng thành mà còn phải hòa hợp được với thế giới xung quanh để cùng tạo ra giá trị cộng hưởng (lớn hơn cả giá trị của từng cá nhân cộng lại).

Trong Ikigai, mô hình về việc tìm ra “chân lý” cuộc đời của người Nhật về cơ bản cũng được chia làm 2 phần: Thấu hiểu bản thân (Việc mình thích và Việc mình giỏi) và Thấu hiểu xã hội (Việc xã hội cần và Việc xã hội chi trả). Vì vậy, việc thấu hiểu bản thân theo lý thuyết này cũng là chưa đủ để tìm ra “chân lý” của cuộc đời, và việc thấu hiểu xã hội sẽ phải cần rất nhiều trải nghiệm.
Trong Đúng Việc của Giản Tư Trung, tác giả có đề cập đến chuyện đúng và sai thường được suy xét dựa trên 4 Đạo: Đạo luật, Đạo lý, Đạo thiêng, và Đạo sống. Đạo luật nói về luật pháp. Đạo lý nói về luân lý dựa trên văn hóa và tư tưởng của gia đình, tổ chức, địa phương, dân tộc,... Đạo thiêng nói về quan niệm tôn giáo (Chúa, Phật,...). Và Đạo sống nói về quan niệm sống của chính bản thân, thứ mà mình đang muốn nói đến. Đạo sống là thế giới quan, lương tâm, hệ giá trị, hệ tư tưởng hay mô thức được hình thành dựa trên kiến thức, kinh nghiệm và tư duy mà bản thân tích lũy và rút ra được trong quá trình phát triển/trưởng thành. Tác giả cũng đã đưa ra một thông điệp rằng để trưởng thành, chúng ta cần phải xây dựng Đạo sống hòa hợp với những Đạo còn lại để cân bằng được cuộc sống bên trong và bên ngoài của bản thân.
Nói thêm một tí về hiện tượng bất đồng giữa Đạo sống và các Đạo còn lại ngày càng lớn trong xã hội ngày nay (kết luận chủ quan của mình). Vấn đề xuất phát từ sự bùng nổ công nghệ thông tin làm thay đổi hệ tư tưởng của người dân toàn cầu bất chấp vị trí địa lý, văn hóa, giai cấp tầng lớp dẫn đến vô số cuộc “cách mạng tư tưởng” diễn ra trong thực tế và cả bên trong tâm trí. Chưa kể đến những thế lực giật dây và dắt mũi truyền thông, thao túng tư tưởng người dân. Và cũng vì sự bất đồng đó, việc đúng sai trong thời đại này lại càng khó phân định.
Sau cùng, thứ mình muốn kết lại không phải là việc phải trung hòa bản thân và thế giới như thế nào, mà là việc “sự trưởng thành thật sự cần thời gian”. Như một người trẻ bình thường, mình cũng rất nóng lòng đẩy nhanh sự trưởng thành của bản thân. Mình chủ động đọc các chủ đề về tâm lý học và triết học với mục đích hiểu được cách vận hành của thế giới này và xây dựng hệ giá trị/tư tưởng hay cách sống đúng cho bản thân. Nhưng cuối cùng, mình cần phải chấp nhận một sự thật hiển nhiên là việc trưởng thành cần rất nhiều thời gian, trải nghiệm và đút kết. Việc chấp nhận này không đồng nghĩa với việc không cố gắng để trưởng thành nhanh hơn, mà là để nhắc nhở bản thân phải điềm đạm, kiên nhẫn và khiên tốn hơn để chậm rãi nhưng bền bỉ bước đi trên hành trình trưởng thành này.
- Nhiên Lê -
Comments