top of page

Sự so sánh ngầm

  • Writer: Nhiên Lê
    Nhiên Lê
  • Sep 4, 2021
  • 5 min read

Updated: Feb 11, 2023

1. Thực trạng so sánh

Đầu tiên, mình muốn hỏi các bạn 1 câu hỏi: Các bạn có cảm thấy bản thân mình không đủ tốt khi thấy những người bạn của mình phát triển rất nhiều trong học tập và sự nghiệp, đạt được rất nhiều thành tích trong khi mình thì chưa làm được điều gì lớn lao? Sau đó, bạn sẽ cảm thấy chán nản và né tránh những công việc hiện tại, tìm kiếm một điều gì đó khác trong cuộc sống để không phải trực tiếp đối mặt với sự thật đó?


Hay bạn đã từng so sánh và phân biệt những người “thấp hơn mình” một cách vô thức bên trong suy nghĩ của bản thân hay không? Bạn cảm thấy mình “toxic” khi nhận ra điều đó nhưng không thể ngăn cản suy nghĩ của mình so sánh mọi thứ? và bạn tự trách bản thân đã “xấu xa” khi nghĩ như vậy?


Có một sự thật mà bạn cần biết đó là: Không chỉ bạn mà là tất cả mọi người đều so sánh bởi vì đó là một bản năng.


2. Nguyên nhân của bản năng so sánh

Bạn có để ý rằng trong môi trường phát triển của mình, xung quanh ai ai cũng có một lối tư duy WIN-LOSE. Khi còn nhỏ, những phụ huynh sẽ so sánh con cái của mình với nhau, nếu bạn giỏi hơn con nhà hàng xóm, phụ huynh sẽ rất hãnh diện về bạn; còn nếu ngược lại, bạn sẽ rất quen với câu nói: “Mày coi con nhà người ta kìa?”.


Thầy cô của bạn cũng sẽ có xu hướng ưu ái những học sinh có thành tích cao trong lớp. Dần dần, các học sinh, sinh viên có xu hướng so sánh điểm số, thành tích với nhau. Lớn lên, khi đi làm việc thì so sánh lương bổng, chức vụ, so nhà, so xe.


Đó là thực trạng môi trường sống và phát triển của chúng ta, vì vậy chả trách chúng ta cũng có những tư duy WIN-LOSE như vậy.


Tuy nhiên, có một điều đặc biệt đó là: Chúng ta có đang thật sự hiểu cuộc chơi này không? “Con nhà người ta” có thực sự đang WIN không?


3. Finite & Infinite Game

Có một lý thuyết gọi là The Inifinite Game, mình tạm dịch là “Trò chơi vô hạn” do giáo sư James P. Carse nói đến trong một quyển sách của ông tên là Finite and Infinite Games. Sau đó, lý thuyết này trở nên phổ biến hơn khi được Simon Sinek áp dụng trong quyển The Infinite Game (2019).


Nói một cách dễ hiểu, Trò chơi hữu hạn là một trò chơi có thời gian kết thúc, có luật lệ rõ ràng được định sẵn, có cơ chế thắng thua, mọi người đều biết được những người chơi. Ví dụ như một trận bóng, thời gian chơi là 90 phút, các cầu thủ sẽ phải tuân theo luật bóng đá, cơ chế thắng thua rõ ràng - bên nào ghi nhiều bàn thắng hơn giành chiến thắng, và hai bên đều biết đối thủ của mình là ai.


Ngược lại Trò chơi vô hạn sẽ là một trò chơi không có thời hạn kết thúc, cũng chẳng có luật lệ, quy định rõ ràng, chẳng có cơ chế tính điểm thắng thua mà mục đích của người chơi là ở lại trong cuộc chơi càng lâu càng tốt, có những người chơi lộ diện nhưng một số lại không. Bạn cứ hình dung giống như một cuộc chiến tranh, không ai biết khi nào sẽ kết thúc, không có luật lệ nào, các bên tham gia có các mục đích khác nhau, và không thể biết ai là bạn, ai là thù.


Mình sẽ đưa thêm một vài ví dụ cho các bạn dễ phân biệt. Trò chơi hữu hạn sẽ là một trận thi đấu cờ vua, một cuộc thi hùng biện, một buổi thuyết trình tại lớp, hay một trận đánh nhau trên võ đài. Tất cả đều là những cuộc chơi hữu hạn. Mặt khác, trò chơi vô hạn sẽ là một sự nghiệp, một mối quan hệ, một sự đấu tranh đòi quyền lợi, và đặc biệt, nó còn là một cuộc sống.


4. Cuộc sống là một Trò chơi vô hạn

Bạn có nhận ra cuộc sống của mình giống như một cuộc chơi vô hạn không? Cuộc chơi này không hẳn là sẽ không kết thúc, nhưng thời gian chơi của nó rất rất dài, có thể lên đến 100 năm. Nó không có luật lệ, bạn có thể chơi theo ý của mình. Bạn sẽ không biết rõ ai là người chơi cùng bạn. Và điều đặc biệt nhất và là điều quan trọng nhất mình muốn nói đến: nó không có CƠ CHẾ THẮNG THUA.


Có thể bạn sẽ nghĩ nếu đạt được một mục tiêu to lớn nào đó sẽ là chiến thắng. Nhưng có thể bạn đã nhầm. Trong lịch sử có rất nhiều người đã rất thành đạt, tiền tài hay danh vọng đều có đủ, thậm chí là gia đình rất hạnh phúc, nhưng sau đó phạm một sai lầm và mất hết mọi thứ. Họ đã KHÔNG THẮNG CUỘC ĐỜI ĐÓ


Mình muốn quay lại hỏi các bạn: Định nghĩa chiến thắng của bạn trong cuộc sống này là gì?


Thật sự thì đây là một câu hỏi khó, không nhiều người trả lời được. Tuy nhiên, mình có thể đưa ra một ý tưởng để bạn dựa vào và tìm ra được nó. Định nghĩa chiến thắng của mình đó chính là đạt được những giá trị quan trọng nhất một cách bền vững.


5. Hãy sống vì những giá trị bền vững

Như bạn thấy, mỗi người điều có những giá trị quan trọng nhất đối với bản thân rất khác nhau, có thể là giá trị Gia đình, Bạn bè, Mối quan hệ, Sự trải nghiệm, Sự tự do, vân vân. Và đó chính là định nghĩa của sự chiến thắng.


Nếu giá trị cá nhân của bạn là Gia đình, bạn sẽ sống và làm việc với mục đích là tạo ra càng nhiều sự hạnh phúc cho gia đình bạn. Hay nếu giá trị mà bạn chọn là Sự trải nghiệm, bạn sẽ cố gắng để có được càng nhiều trải nghiệm trong cuộc sống càng tốt.


Vậy nếu 2 người có 2 giá trị khác nhau, hướng đến 2 mục tiêu cuộc sống khác nhau, có 2 định nghĩa chiến thắng khác nhau, so sánh với nhau thì có ý nghĩa gì?


Khi bạn chọn được những giá trị bền vững, những mục tiêu sau cùng của bạn trong cuộc sống thì bạn sẽ nhận ra rằng những sự so sánh hàng ngày trở nên vô nghĩa. Nó sẽ không còn tác động đến cảm xúc của bạn được nữa. Bạn sẽ không còn cảm thấy tự ti khi nhìn những người giỏi hơn mình, hay đánh giá những người không bằng mình nữa. Những sự so sánh, đánh giá, săm soi đó sẽ chuyển hóa thành sự HỌC HỎI. Bạn sẽ học hỏi những người xung quanh để đạt được sự chiến thắng của riêng mình.


Khi hiểu được những ý tưởng này, mình tin rằng bạn sẽ tìm được sự giải thoát cho cái vòng lặp so sánh bản thân và người khác. Mong rằng những thông tin mình đưa ra có thể giúp các bạn giải quyết được phần nào những khúc mắc của bản thân về vấn đề so sánh này.


Đến đây có thể một số bạn sẽ còn một thắc mắc: vậy làm sao để có thể tìm ra được giá trị cá nhân, định nghĩa về sự chiến thắng của riêng các bạn? Mời bạn đọc qua bài viết về Giá trị cá nhân của mình nhé.


- Nhiên Lê -

Comments


bottom of page